Gà tre hay gà che là giống gà bản địa xuất hiện phổ biến tại khu vực miền nam của Việt Nam, nhiều nhất ở vùng Tây Nam Bộ. Gà tre thu hút người nhìn bởi vẻ ngoài nhỏ nhắn, xinh xắn cùng bộ lông sặc sỡ nhiều sắc màu vô cùng bắt mắt.
Tên thường gọi: Gà treTên chính xác: Gà cheNguồn gốc: Việt NamNgành: Động vật có xương sốngLớp: ChimBộ: GàCân nặng: 400 – 800 g
Nguồn gốc tên gọi gà tre
Trên thực tế, gà tre có tên gọi chính xác là gà che theo tên bản địa mon-che của tiếng khmer, được nuôi phổ biến ở vùng Tây Nam Bộ của Việt Nam. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của bộ môn đá gà tre, giống gà che được biết đến nhiều hơn trên phạm vi cả nước. Lúc này, người Việt ta lại nghĩ rằng người Tây Nam Bộ phát âm sai nên đã đổi “gà che” thành “gà tre”. Cái tên gà tre bắt đầu xuất hiện và phổ biến từ đó.
Đặc điểm hình dáng của gà tre
- Gà tre có thân hình nhỏ bé nhưng cân đối, trọng lượng cơ thể vào hàng nhẹ nhất Việt Nam (không tính những giống gà ngoại nhập) với gà mái chỉ nặng khoảng từ 400-600g và gà trống nặng khoảng 500-800g. Theo các tay chơi gà chuyên nghiệp, thể trọng lý tưởng nhất của một con gà tre là khoảng 600g.
- Đầu nhỏ; mặt nhỏ; mỏ nhỏ gần giống hình tam giác; bờm ở cổ to dài, có độ phùng phình suôn mượt. Ngực rộng, hông to, cánh không quá dài. Mào gà có kích thước vừa phải, thẳng đứng. Chân tương đối cao, cẳng chân thon, nhỏ dài bằng với đùi; cựa khá phát triển, dài và cong vuốt.
- Lông đuôi của gà tre phải có đủ 3 lớp là lông phủ, lông chúa và lông đỡ, cong xòe đều, lông dài, dày, nhiều màu sắc.
- Đặc điểm nhận diện nổi bật nhất của giống gà tre là bộ lông óng mượt, khá dài, ôm sát cơ thể với đa dạng các màu sắc khác nhau trên cùng một thân thể.
Đặc điểm tính cách của gà tre
- Gà tre rất hiếu chiến, thích khẳng định vị thế con đầu đàn, vì thế chúng có bản năng chiến đấu như một chiến binh nếu trong đàn xuất hiện những chú gà khác. Ngoài ra, đặc điểm tính cách này còn giúp những con gà tre trống thu hút sự chú ý với những gà tre mái.
- Bản tính lì đòn, độ nhanh nhẹn cao rất thích hợp cho bộ môn đá gà. Một con gà tre đá tốt có thể đánh bại cả những đối thủ có cân nặng gấp 4 lần thể trọng của chúng.
Tham khảo thêm: Gà Đông Tảo – “quái thú” được chăm sóc như vua
Các giống gà tre
Dựa vào màu sắc của sự lai tạo với các giống gà khác, gà tre gồm 3 giống với 3 sắc lông chính như sau:
- Gà chuối tre: con trống có lông màu trắng-đỏ-đen với phần lông cổ và lông mã ở lưng có màu trắng cùng vài điểm sọc đen hơi mờ ở giữa; lông bụng, lông ngực, lông đuôi có màu đen tuyền; con mái có lông màu trắng-đen
- Gà điều tre: con trống có lông phần lưng và phần đuôi giống gà chuối tre nhưng lông mã ở lưng lại có màu đỏ tía hoặc đỏ lửa; con mái có màu lông pha giữa màu nâu và đen
- Một số giống gà tre khác với nhiều màu sắc đa dạng và bắt mắt như đỏ tía, trắng-đỏ, vàng-trắng muốt, đen, xám, trắng, vàng,…
Ngoài ra, tại Việt Nam còn sở hữu các giống gà tre đặc trưng gồm: gà tre Tân Châu, gà tre Mỹ và gà tre Serama có giá trị kinh tế khá cao, được nuôi làm cảnh hoặc thi chọi tại các cuộc thi trên cả nước.
Thức ăn của gà tre
Cũng giống như hầu hết các giống gà khác, thức ăn của gà tre chủ yếu là thóc, ngô, cám gạo, thịt động vật, giun, rau xanh,…
Chăm sóc gà tre đúng cách
- Gà tre là giống gà khá dễ nuôi, tốn ít diện tích cho chuồng trại, chủ yếu được nuôi thả trong vườn nhà, ở góc sân hay dưới mái hiên.
- Chúng có khả năng miễn dịch khá cao nên rất ít bị bệnh tật. Tuy nhiên, người nuôi cũng cần lưu ý một số bệnh thường gặp ở gà tre, nhất là những tháng đầu tiên sau sinh nở như: bệnh đậu gà, cúm gia cầm, bệnh tụ huyết trùng gà, bệnh marek, bệnh hộ hấp mãn tính,…
- Vì đặc điểm kích thước cơ thể giống gà tre khá nhỏ nên khi nuôi nhốt, không nên để gà tre chung chuồng với giống gà khác có kích thước lớn hơn.
- Chuồng nuôi, máng cho ăn, cho uống phải được khử trùng sạch sẽ, khô ráo, đảm bảo mùa hè thoáng mát, mùa đông ấm, tránh gió lùa. Có thể dùng trấu, bột cưa độn chuồng và phun sát trùng trước khi nuôi.
Đặc điểm sinh sản của gà tre
Gà tre được coi là trưởng thành khi nuôi đủ 8 tháng đối với gà tre mái và đủ 1 năm đối với gà tre trống. Gà tre đẻ trứng, có thể đẻ khoảng 3-4 lứa mỗi năm, khoảng trên dưới 10 quả một lứa; mỗi lứa cách nhau từ 20-40 ngày nếu áp dụng sinh sản tự nhiên. Sau 21 ngày, trứng sẽ nở thành con con.
Giá bán gà tre
Giá gà tre cao hay thấp chủ yếu dựa vào tổng quan hình dáng cơ thể và màu sắc của bộ lông. Được biết, giống gà Tân Châu có giá bán khoảng từ 1 triệu cho đến vài chục triệu đồng/ 1 con; giống gà Serama có giá khoảng từ vài triệu cho đến vài chục triệu đồng/ 1 con
Một số thông tin thú vị khác
- Xuất hiện giống gà Tân Châu tại thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang có chiếc đuôi dài gần 1m với giá bán hàng nghìn đô
- Gà tre sở hữu một nguồn gen độc đáo của Việt Nam nhưng do không được nuôi phổ biến, cộng với việc nhiều chủ nuôi áp dụng lai tạo với nhiều giống gà khác để cải thiện vóc dáng, thể chất ngày càng cao nên nguy cơ mai mọt giống, tuyệt chủng là hoàn toàn có thể xảy ra trong tương lai.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét